Act Now: Thank Your Legislators for Fully Funding the PRC!

Connect

Tăng phản xạ tự phát

Tăng phản xạ tự phát là gì?

Tăng phản xạ tự phát là một trường hợp y tế khẩn cấp có thể đe dọa mạng sống, ảnh hưởng đến những người bị chấn thương tủy sống ở ngang T6 hoặc cao hơn. Mặc dù khá hiếm gặp, song những người bị chấn thương T7 và T8 cũng có thể bị tăng phản xạ tự phát. Đối với hầu hết mọi người, tăng phản xạ tự phát có thể được điều trị và phòng ngừa một cách dễ dàng. Bí quyết là nắm được huyết áp cơ sở, yếu tố phát bệnh, và triệu chứng của bạn.

Khi bị phát bệnh, tăng phản xạ tự phát đòi hỏi phải hành động nhanh và chính xác, nếu không sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng chẳng hạn như đột quỵ. Vì nhiều chuyên gia sức khỏe không quen với tình trạng này nên điều quan trọng là những người có nguy cơ bị tăng phản xạ tự phát, bao gồm cả những người gần gũi với họ, đều phải nhận biết các triệu chứng và biết cách hành động.

Điều quan trọng là những người có nguy cơ phải biết được mức huyết áp chuẩn của họ và trao đổi với nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe về cách xác định cũng như kiểm soát tình trạng khẩn cấp do tăng phản xạ tự phát.

Một số dấu hiệu của tăng phản xạ tự phát bao gồm huyết áp cao, đau đầu dữ dội, mặt đỏ bừng, đổ mồ hôi phần bị chấn thương, nổi da gà dưới phần bị chấn thương, nghẹt mũi, buồn nôn và mạch chậm (chậm hơn 60 nhịp một phút). Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy từng người.

Nguyên nhân của tăng phản xạ tự phát

Tăng phản xạ tự phát là do một tác nhân kích ứng bên dưới phần bị chấn thương, bao gồm:

  • Bàng quang: kích ứng ở thành bàng quang, nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc ống thông hoặc túi đựng nước tiểu quá đầy.
  • Ruột: ruột giãn to hoặc kích ứng, táo bón hoặc ứ phân, bệnh trĩ hoặc nhiễm trùng hậu môn.
  • Các nguyên nhân khác bao gồm nhiễm trùng hoặc kích ứng da, vết cắt, bầm tím, trầy da hoặc loét tỳ đè (vết loét tư thế nằm), viêm kẽ móng chân, bỏng (bao gồm bỏng do nắng và bỏng do nước nóng) và quần áo chật hoặc bó.
  • Tăng phản xạ tự phát cũng có thể bị kích thích do hoạt động tình dục, đau bụng kinh, sinh con, u nang buồng trứng, các tình trạng bụng (loét dạ dày, viêm đại tràng, viêm phúc mạng) hoặc gãy xương.

Phải làm gì khi phát bệnh tăng phản xạ tự phát

Nếu nghi ngờ bị tăng phản xạ tự phát, điều đầu tiên cần làm là ngồi thẳng hoặc nâng đầu theo góc 90 độ. Nếu có thể hãy hạ chân xuống. Tiếp theo, nới lỏng hoặc cởi bỏ mọi loại quần áo chật, và đảm bảo kiểm tra huyết áp của bạn năm phút một lần.

Người bị SCI trên T6 thường có mức huyết áp tâm thu thông thường trong phạm vi 90-110 mm Hg.

  • Chỉ số huyết áp 20mm tới 40mm Hg trên mức chuẩn ở người lớn có thể là dấu hiệu của tăng phản xạ tự phát.
  • 15mm trên mức chuẩn ở trẻ em, và 15mm tới 20mm trên mức chuẩn ở trẻ vị thành niên có thể là một dấu hiệu của tăng phản xạ tự phát.

Quan trọng hơn hết là biết xác định và loại bỏ các tác nhân kích thích không mong muốn, nếu có. Bắt đầu bằng việc xem xét những nguyên nhân phổ biến nhất: bàng quang, ruột, quần áo bó, vấn đề về da. Trong khi bạn đang loại bỏ nguyên nhân, hãy nhớ rằng bệnh tăng phản xạ tự phát của bạn có thể xấu đi rồi sẽ khá hơn.

Điều gì xảy ra khi lên cơn tăng phản xạ tự phát?

Tăng phản xạ tự phát thể hiện sự hoạt động quá mức của hệ thần kinh tự chủ – một phần của hệ thống kiểm soát những điều bạn không cần nghĩ đến, chẳng hạn như nhịp tim, hơi thở và tiêu hóa.

Tác nhân kích thích có hại (sẽ gây đau nếu người bị bệnh cảm nhận được) dưới phần bị chấn thương gửi xung thần kinh đến tủy sống; những xung thần kinh này di chuyển lên trên cho đến khi bị chặn ở phần bị thương.

Vì những xung này không thể tới được não nên cơ thể không phản ứng như bình thường. Phản xạ được kích hoạt làm gia tăng hoạt động của phần giao cảm trong hệ thần kinh tự trị. Điều này dẫn đến hẹp mạch máu, làm tăng huyết áp.

Thụ thể thần kinh trong tim và mạch máu phát hiện thấy huyết áp tăng và gửi tín hiệu đến bộ não. Bộ não gửi tín hiệu đến tim, làm chậm nhịp tim và khiến mạch máu ở trên phần bị chấn thương giãn ra. Tuy nhiên, vì não không thể gửi tín hiệu ở dưới phần bị chấn thương nên huyết áp không được điều hòa. Cơ thể bị bối rối và không thể giải quyết được tình hình.

Thông thường, chỉ sử dụng thuốc nếu không thể xác định và loại bỏ tác nhân kích thích không mong muốn, hoặc khi cơn tăng phản xạ tự phát không dừng lại ngay cả khi đã loại bỏ nguyên nhân khả nghi.

Một thuốc hữu ích tiềm năng là thuốc bôi nitroglycerine (bôi tại chỗ phía trên phần bị chấn thương). Nifedipine và nitrate thường được sử dụng, ở dạng phóng thích ngay. Cũng có thể sử dụng Hydralazine, mecamylamine, diazoxide, và phenoxybenzamine.

Nếu đã sử dụng thuốc rối loạn cương dương (ví dụ: Cialis, Viagra) trong vòng 24 giờ, nên cân nhắc khi sử dụng thuốc khác vì huyết áp có thể bị hạ thấp một cách nguy hiểm.

Trong hầu hết trường hợp, tăng phản xạ tự phát có thể ngăn chặn được. Hãy giữ ống thông sạch sẽ và tuân thủ lịch trình đặt ống thông và đi vệ sinh của bạn.

Tải xuống thẻ thông tin cứu sinh đối với tăng phản xạ tự phát

Trong quá trình hợp tác với nhân viên điều dưỡng và y tế tại Trung Tâm Chấn Thương Tủy Sống Quốc Tế tại Viện Kennedy Krieger, chúng tôi đã thiết kế thẻ thông tin cứu sinh đối với tăng phản xạ tự phát cho cả bệnh nhân và bác sĩ.

Thẻ của chúng tôi được tạo để nhét vừa vào ví với thiết kế dạng gập ba, cho phép bạn viết tất cả các thông tin về huyết áp chuẩn, mức độ tổn thương của mình, số điện thoại khẩn cấp, v.v.

Một mặt được viết cho bác sĩ. Trong trường hợp lên cơn tăng phản xạ tự phát, bạn có thể kéo phần “Những Điều Bác Sĩ Cần Lưu Ý” ra phía trước. Điều này giúp những người cấp cứu đầu tiên thấy được thông tin cá nhân của bạn ở một mặt và các hướng dẫn để điều trị tăng phản xạ tự phát ở mặt kia.

Huyết áp chuẩn của bạn quyết định số tăng phản xạ tự phát của bạn và giúp xác định hướng điều trị tốt nhất cho bạn. Hầu hết những người bị liệt tứ chi đều có huyết áp thấp, nhưng chỉ ít bác sĩ phòng cấp cứu và nhân viên cấp cứu nhận ra thực tế này. Hãy nắm rõ huyết áp chuẩn của bạn nếu bạn vẫn chưa biết.

Thẻ tăng phản xạ tự phát mới có sẵn cả cho người lớn và trẻ em/trẻ vị thành niên (nhưng cách điều trị và số của họ khác nhau). Bên trong thẻ là thông tin tham khảo nhanh dành cho những người sống với tê liệt và/hoặc người chăm sóc của họ.

Vui lòng điền thông tin quan trọng của bạn – chúng tôi khuyên bạn nên sử dụng bút lông Sharpie đầu nhỏ, nhưng cũng có thể sử dụng bút viết bình thường nếu bạn tỳ mạnh.

Các bản sao có thể tải xuống từ trên mạng, hoặc bạn có thể gọi trực tiếp cho PRC theo số 800-539-7309/973-467-8270 (quốc tế) và yêu cầu được nói chuyện với một chuyên gia thông tin.

Video về tăng phản xạ tự phát

Tăng phản xạ tự phát là một tình trạng có khả năng gây nguy hiểm đến tính mạng, được coi là một trường hợp y tế khẩn cấp. Tăng phản xạ tự phát đòi hỏi phải hành động nhanh và chính xác. Điều ngạc nhiên là nhiều chuyên gia y tế lại chưa bao giờ nghe đến tình trạng này. Bạn đã từng nghe đến chưa?

Thông tin có trong thẻ này và trang web được trình bày với mục đích cung cấp cho bạn thông tin về tê liệt và ảnh hưởng của bệnh này. Không thông tin nào trong đó được hiểu hoặc nhằm mục đích chẩn đoán hoặc điều trị y tế. Liên hệ bác sĩ của bạn hoặc nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe có trình độ khác nếu bạn có thắc mắc về sức khỏe, điều trị, hoặc chẩn đoán.